HLV tiết lộ bí quyết bơi lội hiệu quả trong ngày hè nắng nóng

Bơi lội là một trong những bộ môn thể thao được nhiều người yêu thích. Không chỉ có những lợi ích tích cực, bơi lội còn là một cách chống nóng trong những ngày hè oi bức. Tuy nhiên, bơi lội thế nào để hiệu quả và an toàn thì không phải ai cũng biết.

Trong những ngày hè, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên tới trên 40 độ C đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống. Vì vậy, nhu cầu bơi lội thời điểm này càng tăng cao

Theo anh Quyền, Chủ tịch CLB Bơi lặn Thủ đô, huấn luyện viên bơi lội ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, chia sẻ, bơi là kỹ năng, chính vì vậy, để đảm bảo an toàn khi đến các bể bơi hay các khu vực sông, hồ… điều đầu tiên, những người đó phải biết bơi. Tuy nhiên, anh Quyền khuyến cáo không nên bơi ở ao, hồ… bởi đây là khu vực không có phương tiện bảo hộ thiết yếu như phao bơi, không có người giám hộ nên rất mất an toàn. Còn trong trường hợp vẫn bơi ở ao hồ, người bơi phải thật thành thạo, bơi giỏi.

Ngoài ra, còn một số vấn đề anh Quyền cũng lưu ý tới mọi người:

- Bơi khi trời nắng rất dễ bị cảm đột ngột, tụt huyết áp hay say nắng, rất nguy hiểm khi đang bơi chỗ sâu. Vì vậy, mọi người cần chọn thời điểm thích hợp cho việc bơi lội. Theo đó, buổi sáng nên bơi trong khoảng từ sáng sớm đến 8h hoặc 8h30, muộn nhất là 9h. Từ 9h mặt trời lên cao và rất nắng. Buổi chiều nên bắt đầu bơi từ 16h đến 16h30. Tuy nhiên, với thời tiết hiện tại, nên bơi sau 16h30 là tốt nhất. Đối với bể bơi trong nhà, mọi người có thể bơi bất cứ thời điểm nào nhưng hạn chế buổi trưa từ 12h-1h, đó là lúc cơ thể đang mệt mỏi.

- Bơi vừa sức, không nên cố quá. Trời nắng nóng, cơ thể mất sức rất nhanh. Vì vậy, cần bơi lội trong mức thể lực chịu đựng được, tránh bị đuối sức

- Một số sự cố thường xảy ra những ngày nắng nóng đối với người đi bơi như: Tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt… Vì thế, bất cứ đối tượng nào cũng nên chú ý vấn đề thân nhiệt trước và sau khi xuống bể bơi. Và để tránh những rủi ro đó, anh Quyền đưa lời khuyên, khi đến bể bơi nên nghỉ ngơi, điều hoà thân nhiệt về mức trung bình. Trước khi bơi cần tắm tráng lâu một chút để cơ thể quen với nước ở bể bơi hoặc môi trường sông, hồ...

- Những người uống rượu bia cần tránh xuống bể bơi. Việc huyết áp đang cao, tim đập nhanh xuống nước sẽ bị co lịm rất nhanh.

- Ngoài ra, nên đeo kính bơi, đặc biệt là các bể bơi ngoài trời. Đeo kính bơi vừa tránh được nước vào mắt, vừa hạn chế hơi nóng làm khô giác mạc.

Bản thân mỗi người khi đi bơi cần nhạy bén với cơ thể chính mình. Nếu phát hiện ra những biểu hiện bất thường của cơ thể cần nhanh chóng lên bờ, nghỉ ngơi, uống nước đường để tăng đường huyết.

Trên thực tế, rất nhiều người cho rằng mùa Hè là mùa vận động. Tuy nhiên anh Quyền khuyến cáo, mùa Đông mới là mùa nên vận động nhiều. Thời tiết nắng nóng, cần hạn chế vận động vì nó sẽ khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, mất nước. Trong khi đó, việc nạp năng lượng vào cơ thể mùa hè thường ít, nếu hoạt động cường độ cao sẽ gây ốm, suy nhược...

 

0936 237 327
.

Đang xử lý...